Điều lệ của Trung tâm UNESCO Phát triển Nhân văn
Trung tâm UNESCO Phát triển nhân văn (sau đây viết tắt là Trung tâm) là một tổ chức xã hội, hoạt động trên lĩnh vực tinh thần, trí tuệ nhằm phát triển nhân văn trong cộng đồng theo bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
ĐIỀU LỆ
CỦA TRUNG TÂM UNESCO PHÁT TRIỂN NHÂN VĂN
(Sửa đổi theo Nghị quyết Đại hội lần thứ IV)
CHƯƠNG I - TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH
Điều 1: Trung tâm lấy tên là:
Tên giao dịch trong nước: Trung tâm UNESCO Phát triển nhân văn
Tên giao dịch quốc tế: Unesco Humanity Development Centre
Tên viết tắt: UNHDC
Điều 2: Trung tâm UNESCO Phát triển nhân văn (sau đây viết tắt là Trung tâm) là một tổ chức xã hội, hoạt động trên lĩnh vực tinh thần, trí tuệ nhằm phát triển nhân văn trong cộng đồng theo bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Trung tâm không phải là một tổ chức chính trị hay một tổ chức kinh tế, Trung tâm hoạt động không vụ lợi. Trung tâm tập hợp những người tự nguyện tham gia, đóng góp vào các hoạt động vì các mục tiêu, lý tưởng của UNESCO, tự nguyện tham gia nhiệm vụ của Hiệp hội câu lạc bộ UNESCO Việt Nam (sau đây viết tắt là Hiệp hội) và tự nguyện thực hiện nội dung chương trình hoạt động xã hội của Trung tâm.
Điều 3: Trung tâm hoạt động tuân thủ đường lối chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Hiệp hội. Trung tâm có tư cách pháp nhân về mặt tổ chức và hoạt động, có con dấu và tài khoản tiền Việt Nam và ngoại tệ. Trụ sở của Trung tâm tại Thủ đô Hà nội.
CHƯƠNG II - NHIỆM VỤ CỦA TRUNG TÂM
Điều 4: Nhiệm vụ của Trung tâm là: Ngoài việc thực hiện những nhiệm vụ do Hiệp hội giao cho và tham gia tích cực vào sự nghiệp giáo dục công dân, giáo dục Quốc tế, Trung tâm tập trung đi sâu vào việc tổ chức các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, giao lưu và thông tin trên lĩnh vực những vấn đề phát triển nhân văn cho cộng đồng, nhất là các vấn đề về phát triển trí tuệ và nhân cách cho các đối tượng thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau bằng việc khơi dậy sức mạnh bên trong của mỗi người để mọi người tự giác rèn luyện phát huy khả năng để làm chủ bản thân nhằm xây dựng mối quan hệ lành mạnh từ gia đình, họ hàng cho tới cộng đồng theo hướng Chân -Thiện -Mỹ và đóng góp tài năng cho sự phát triển Kinh tế - Văn hoá - Xã hội của đất nước.
Điều 5: Nhiệm vụ cụ thể của Trung tâm là:
1. Tập hợp trên tinh thần tự nguyện những cá nhân và tập thể có ý thức quan tâm đến sự phát triển nhân văn của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
2. Tổ chức các hoạt động phổ biến, thông tin cho Hội viên và mọi người nâng cao hiểu biết về lý tưởng cao cả của UNESCO và về lĩnh vực phát triển nhân văn và giáo dục công dân và giáo dục Quốc tế để mọi người có điều kiện đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục, khoa học và văn hoá của đất nước.
3. Hướng dẫn về lý thuyết và thực hành cho những người có nguyện vọng một số vấn đề về nội dung và phương pháp phát triển khả năng và nhân cách cho bản thân để có điều kiện tham gia sự nghiệp lành mạnh hoá các quan hệ xã hội, chống các tệ nạn xã hội, và phát triển kinh tế văn hóa nước nhà.
4. Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên và tình nguyện viên đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của việc thực hiện nhiệm vụ chung của Trung tâm.
5. Tổ chức, duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác thường xuyên với các cơ quan, đơn vị, các Câu lạc bộ UNESCO thuộc Hiệp hội, các tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội và các cá nhân (trong và ngoài nước) có liên quan tới hoạt động của Trung tâm để giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi thông tin và kinh nghiệm, nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Trung tâm.
Điều 6: Phương châm thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm:
1. Vừa nghiên cứu vừa ứng dụng: nghiên cứu để ứng dụng, ứng dụng để bổ sung cho nghiên cứu. Vừa lý luận khoa học vừa thực hành hiệu quả.
2. Đi dần từng bước từ thấp tới cao, từ nhỏ tới lớn, từ hẹp tới rộng, thận trọng, thiết thực, vững chắc không phô trương, hình thức, thí điểm thực hiện trước khi phổ cập. Hoàn toàn hướng thiện, vô tư, vì hạnh phúc con người, vì tiến bộ và văn minh đất nước.
3. Hoạt động theo tinh thần kế thừa và phát triển. Kế thừa những kinh nghiệm tinh hoa của đất nước và của nhân loại, vận dụng và phát triển với bản sắc tâm lý và truyền thống dân tộc Việt Nam.
4. Nỗ lực chủ quan là chính, đồng thời liên kết hợp tác rộng rãi các tổ chức và cá nhân, cố gắng tìm ra nội dung và phương pháp cùng nhau hoạt động.
CHƯƠNG III - HỘI VIÊN CỦA TRUNG TÂM
Điều 7: Những tập thể và cá nhân là công dân Việt Nam tán thành điều lệ của Trung tâm và tự nguyện xin gia nhập Trung tâm, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, tuổi tác, thành phần xã hội, trình độ học vấn và nghề nghiệp đều có thể tham gia Trung tâm.
Thành phần hội viên gồm:
1. Hội viên danh dự: Là những cá nhân người Việt Nam có uy tín đặc biệt về mặt xã hội và nhân văn, nhiệt tình giúp đỡ vô tư cho Trung tâm
2. Hội viên chính thức: Là những người thường xuyên làm việc cho Trung tâm, có nhiệm vụ công tác cụ thể.
Điều 8: Các nghĩa vụ của hội viên:
1. Tích cực học hỏi nâng cao trình độ hiểu biết và khả năng hoạt động của mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Trung tâm.
2. Tích cực tham gia các hoạt động của Trung tâm, chấp hành các điều lệ và phát triển hội viên mới.
3. Đóng hội phí theo quy định của Hiệp hội.
Điều 9: Quyền lợi của hội viên
1. Được bầu cử và ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo của Trung tâm.
2. Được kiểm tra các hoạt động của cơ quan lãnh đạo Trung tâm.
3. Được đóng góp ý kiến cho các chương trình hoạt động của Trung tâm.
4. Được hưởng những phúc lợi tinh thần và vật chất do Trung tâm quản lý
5. Được yêu cầu bảo vệ các nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của mình với tư cách hội viên trong phạm vi hoạt động của Trung tâm.
CHƯƠNG IV - TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM
Điều 10: Trung tâm tổ chức và hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số và làm việc theo chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Trung tâm đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Hiệp hội và hoạt động theo pháp luật, theo các Điều lệ của Hiệp hội và của Trung tâm.
Tùy theo sự phát triển sau này, Trung tâm có các chi nhánh, các Câu lạc bộ hoặc các Nhóm hội viên hoạt động ở các địa phương theo đúng pháp luật và các quy định của Hiệp hội và chịu sự quản lý trực tiếp và toàn diện của Trung tâm.
Điều 11: Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu của Trung tâm là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Trung tâm . Đại hội được tổ chức ba năm một lần. Số lượng đại biểu do Ban Giám đốc quy định và triệu tập. Đại hội bất thường được triệu tập khi có yêu cầu đột xuất và phải được quá nửa số uỷ viên trong Ban Giám đốc đồng ý.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Đại hội:
1. Xem xét và thông qua báo cáo công tác của Ban Giám đốc.
2. Thảo luận, thông qua chương trình hoạt động và quyết định các vấn đề về tài chính cho nhiệm kỳ tới.
3. Thông qua bổ sung sửa đổi điều lệ.
4. Bầu ban Giám đốc Trung tâm.
Điều 12: Ban Giám đốc
Ban Giám đốc là tập thể quản lý và chỉ đạo Trung tâm giữa hai nhiệm kỳ Đại hội. Ban Giám đốc do Đại hội bầu ra, số lượng uỷ viên trong Ban Giám đốc do Đại hội quy định.
Ban Giám đốc cử ra Giám đốc, các Phó Giám đốc và các uỷ viên chuyên trách. Thành viên Ban Giám đốc do Hiệp hội ra quyết định bổ nhiệm. Trong nhiệm kỳ, tùy theo tình hình, các thành viên Ban Giám đốc có thể được bổ sung hoặc thôi nhiệm vụ. Việc này do Ban Giám đốc đề nghị và Hiệp hội ra quyết định.
Nhiệm vụ và quyền hạn Ban Giám đốc:
1. Đề ra nội dung chương trình hoạt động và xây dựng các dự án hoạt động khả thi để cụ thể hóa nhiệm vụ và phương hướng hoạt động do Đại hội quyết định.
2. Quyết định và chỉ đạo thực hiện các vấn đề cụ thể liên quan tới công tác tổ chức cán bộ, kinh tế tài chính, đối ngoại, quản lý hành chính và những điều cần thiết để đảm bảo thực hiện chương trình có hiệu quả.
3. Duyệt việc kết nạp Hội viên mới.
4. Tổ chức chỉ đạo công tác đối ngoại duy trì và phát triển các quan hệ thường xuyên với Hiệp hội, với các Câu lạc bộ UNESCO, các cơ quan đơn vị, các tổ chức kinh tế văn hoá xã hội và các cá nhân liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm.
Điều 13:
1. Giám đốc điều hành chung mọi hoạt động của Trung tâm và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Trung tâm trước pháp luật và Hiệp hội. Giám đốc là chủ tài khoản của Trung tâm.
2. Các Phó Giám đốc giúp Giám đốc điều hành về các mặt công tác tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo cán bộ quản lý đề tài, đề án, nghiên cứu khoa học các mặt công tác tổ chức, hành chính quản trị và tài chính kế toán.
3. Ban Giám đốc có thể thành lập các Ban, Phòng để giúp Ban Giám đốc về từng mặt hoạt động bao gồm cả việc thành lập Ban kiểm tra để kiểm tra những sự việc xảy ra không có lợi cho sự đoàn kết nội bộ và tiến trình công tác của Trung tâm.
Những người đứng đầu các Ban, Phòng, các nhóm chuyên môn do Ban Giám đốc bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc và trước pháp luật trong công việc được giao.
Điều 14: Trung tâm hoạt động theo phương thức bổ nhiệm Hội viên hoặc cộng tác viên hoạt động theo từng đề án. Ngoài ra để tư vấn về các mặt hoạt động thì có thể thành lập một Hội đồng tư vấn bên cạnh Ban Giám đốc, gồm các thành viên được mời từ cơ quan, các tổ chức, các cá nhân tự nguyện giúp đỡ Trung tâm đề xuất những ý kiến và khuyến nghị trên một số lĩnh vực cụ thể trong nhiệm vụ của Trung tâm.
Ban Giám đốc triệu tập toàn thể hoặc một bộ phận hội đồng tư vấn, định kỳ hay bất thường tuỳ theo nội dung chương trình nghị sự và bố trí cộng tác viên theo nội dung đề án.
Điều 15: Trung tâm có nghĩa vụ:
1. Chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ và qui chế của Hiệp hội.
2. Thực hiện các nội dung chương trình hoạt động của Hiệp hội giao.
3. Có nghĩa vụ đóng góp tài chính của Trung tâm với Hiệp hội.
4. Định kỳ báo cáo các hoạt động của Trung tâm theo quy định của Hiệp hội.
CHƯƠNG V - TÀI CHÍNH CỦA TRUNG TÂM
Điều 16: Trung tâm tự trang trải về kinh phí để hoạt động, tự quản và quản lý theo đúng chế độ tài chính do Nhà nước quy định.
Điều 17: Các nguồn thu của Trung tâm gồm:
1. Hội phí do Hội viên đóng góp theo quy định của Hiệp hội và Trung tâm.
2. Nguồn thu do các hoạt động gây quỹ của Trung tâm.
3. Tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
4. Vốn huy động và các khoản thu khác theo luật và quy định của nhà nước.
Điều 18: Các khoản chi của Trung tâm gồm:
1. Chi phí cho các chương trình hoạt động và các đề tài của Trung tâm.
2. Đóng góp nghĩa vụ với Hiệp hội.
3. Chi phụ cấp, sinh hoạt phí cho các cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách khi có điều kiện về tài chính.
4. Chi phí hành chính và trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho Trung tâm.
5. Khen thưởng.
6. Chi cho hoạt động tài trợ từ thiện và nhân đạo.
CHƯƠNG VI - KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 19: Những hội viên có đóng góp xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác của Trung tâm được Trung tâm khen thưởng hoặc được đề nghị Hiệp hội và các cơ quan Nhà nước khen thưởng.
Điều 20: Đối với những Hội viên vi phạm hoặc không chấp hành điều lệ và sự chỉ đạo của Trung tâm hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của Hiệp hội và của Trung tâm thì tuỳ theo mức độ mà Trung tâm thực hiện việc phê bình hoặc đình chỉ danh nghĩa Hội viên Trung tâm.
CHƯƠNG VII - THI HÀNH VÀ SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ
Điều 21: Bản điều lệ này của Trung tâm gồm có 7 chương, 21 điều.
Việc sửa đổi Điều lệ phải do Đại hội của Trung tâm quyết định và được Hiệp hội phê chuẩn.
Khi thực hiện Điều lệ, nếu phát sinh những bất hợp lý thì Ban Giám đốc Trung tâm đưa ra những quy định tạm thời và báo cáo xin ý kiến Hiệp hội để bảo đảm tiến trình hoạt động bình thường của Trung tâm.
Hà nội, ngày 16 tháng 8 năm 2003
PHÊ CHUẨN CỦA HIỆP HỘI
Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2003
T/M HIỆP HỘI CLB UNESCO VIỆT NAM
TỔNG THƯ KÝ
(Đã ký)
Nguyễn Xuân Thắng